Sáng ngày 01 tháng 12 năm 2023 tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) đã tổ chức sự kiện “Kết nối ý tưởng” với chủ đề “Quy trình trồng nấm mối đen” do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM là đơn vị chủ trì thực hiện.
Tham dự sự kiện về phía Ban tổ chức có ông Võ Duy Khanh - Trưởng phòng Phòng Giao dịch Công nghệ, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị có nhu cầu hợp tác chuyển giao công nghệ, các nhà cung ứng, các đại biểu của các viện trường, doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức quan tâm đến lĩnh vực trồng nấm mối đến tham dự.
Theo ông Khanh cho biết: kết nối ý tưởng là sự kiện thuộc chuỗi hoạt động “Cà phê Công nghệ” do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ là đơn vị thực hiện nhằm đẩy mạnh kết nối cung - cầu công nghệ, góp phần nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại TP.HCM và các tỉnh trong khu vực. Tại sự kiện, các nhà cung ứng giới thiệu những giải pháp công nghệ đáp ứng yêu cầu cụ thể của doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp sẽ lựa chọn giải pháp phù hợp để tiếp tục thương thảo hợp tác, chuyển giao công nghệ.
Ảnh: quang cảnh sự kiện Kết nối ý tưởng” với chủ đề “Quy trình trồng nấm mối đen”
Trong khuôn khổ sự kiện, các giải pháp công nghệ được giới thiệu như: Kỹ thuật trồng nấm mối đen của trường Đại học Nông lâm Thành phố; Quy trình trồng nấm mối đen bằng dữ liệu số hóa với công nghệ IoT của công ty TNHH Nông nghiệp Số AgriConnect; Nhân giống và nguyên liệu sản xuất phôi nấm của Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc; Quy trình trồng nấm mối đen công nghệ cao trong mô hình Container của Công ty TNHH Tập đoàn Năng lượng 102; Giới thiệu thiết bị phục vụ sản xuất giống dịch thể và nuôi trồng nấm mối đen của công ty TNHH Công nghệ Sinh học Bốn Mùa.
Anh Phan Hữu Tín, trường Đại học Nông Lâm Thành phố chia sẻ: “Từ đầu tôi đã xác định ứng dụng công nghệ vào nghề trồng nấm của mình, bởi tôi biết mình cần phải đổi mới, việc này giúp nghề nông cũng nhàn rỗi hơn, bảo đảm đầu ra và ổn định giá cả. Với mô hình của mình, hợp tác xã sẵn sàng chia sẻ, chuyển giao mô hình để tất cả mọi người muốn khởi nghiệp hoặc muốn trồng nấm đều có thể làm được”. Anh Tín đã giới thiệu cụ thể các loại trang thiết bị quan trọng quá trình sản xuất như: lò hấp khử trùng; hệ thống sàn, trộn; hệ thống vào bịch; hệ thống phá bịch. Ngoài ra sơ đồ bố trí, cách lắp đặt và vận hành trang trại nấm mối cũng được anh chia sẻ một cách chi tiết đến người nghe.
Ảnh: Anh Phan Hữu Tín, trường Đại học Nông Lâm Thành phố chia sẻ Quy trình trồng nấm mối
Cũng trong sự kiện kết nối ý tưởng, bà Nguyễn Thị Tường Viên - Công ty TNHH TM Nông Sản Thực Phẩm Đồng Xanh cho biết, công ty bà mong muốn tìm hiểu thêm các giải pháp nhằm tối ưu hóa và đồng bộ việc cung ứng sản phẩm nông nghiệp sạch tới tay người tiêu dùng, do hiện nay công ty bà chủ yếu là nhập rau từ các vùng trồng nhưng đối với nấm đen thì chi phí còn khá cao và nguồn cung cũng không đều. Còn bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - chủ hộ kinh doanh tại TP.HCM cho biết, đang kinh doanh lĩnh vực thực phẩm online và có đam mê trồng nấm cũng như rất mong muốn nghiên cứu các mô hình trồng nấm công nghệ cao để áp dụng phát triển hoạt động kinh doanh.
Mô hình nuôi trồng nấm mối đen có nhiều triển vọng vừa mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, đa dạng hóa sản phẩm nấm trên thị trường, giải quyết được lao động nhàn rỗi, tận dụng được phế phụ phẩm nông nghiệp, vừa mang tính đột phá, có thêm lựa chọn mở ra hướng sản xuất mới cho nhiều hộ nông dân, qua đó, góp phần cung ứng nguồn nông sản sạch, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, có khả năng ứng dụng nhân rộng theo định hướng liên kết chuỗi. Thông qua các phần trình bày và trao đổi, thảo luận, chương trình đã ghi nhận một số biên bản ghi nhớ nhằm kết nối thương thảo, tìm hiểu, hợp tác để đi đến chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp và nhà cung ứng.
ĐTP.Thảo
Đang Hoạt Động : 4
Hôm Nay : 15
Hôm Qua : 53
Số Lượt Truy Cập : 1269