Năm 2015, đánh dấu thời hạn triển khai các hiệp định hội nhập của kinh tế Việt Nam với thế giới: Cộng đồng kinh tế ASEAN, FTA (Hiệp định thương mại tự do) VN-EU, FTA VN- Hàn Quốc, Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Thực hiện các hiệp định thương mại với nước ngoài bên cạnh việc góp phần tạo điều kiện cho hàng hóa của nước ta có cơ hội xuất khẩu sang nước bạn, thì cũng tạo nên áp lực cho hàng hóa trong nước khi gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ hàng hóa ngoại nhập.
Mặc dù nông nghiệp hiện vẫn là ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam, nhưng quy mô sản xuất nông nghiệp ở nước ta nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng vẫn còn phân tán và nhỏ lẻ. Vì thế nếu không có biện pháp cải thiện thì khó có thể phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh nông sản trên thị trường. Một trong những giải pháp được đưa ra để giải quyết vấn đề đó là thực hiện liên kết trong sản xuất. Liên kết sẽ giúp tạo nên sức mạnh tổng hợp từ người sản xuất đến người phân phối và kinh doanh. Các thành viên trong chuỗi liên kết này sẽ tạo nên lợi thế trong cung ứng, hạn chế rủi ro trong sản xuất, phân phối lợi ích giữa thành phần tham gia và đảm bảo được đầu ra cho nông sản.
Giải pháp liên kết này được thể hiện trong chính sách khuyến khích của Thủ tướng chính phủ tại Quyết đinh số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 và thông tư hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn số 15/2014/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 4 năm 2014.
Theo các văn bản này, những hình thức liên kết được thể hiện bằng hợp đồng giữa doanh nghiệp tiêu thụ - doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào với tổ chức đại diện của nông dân hoặc nông dân; giữa doanh nghiệp với nông dân; giữa doanh nghiệp với tổ chức đại diện của nông dân; giữa tổ chức đại diện của nông dân với nông dân. Mục đích của các liên kết này là xây dựng các cánh đồng lớn nhằm đảm bảo tạo ra sản lượng hàng hóa tập trung, chất lượng cao. Với các thành viên tham gia mối liên kết ở địa bàn thành phố Hồ Chí Minh phải triển khai sản xuất trên các quy mô khác nhau tùy theo chủng loại cây trồng được thể hiện tại Quyết định số 12/2015/QĐ-UBND do UBND thành phố ban hành ngày 27 tháng 02 năm 2015, cụ thể:quy mô từ 5ha trở lên đối với rau và hoa kiểng, từ 10ha trở lên đối với cây ăn trái.
Bên cạnh đó, các mối liên kết này chỉ được công nhận khi đảm bảo các điều kiện: phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội; Áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất được thống nhất giữa các bên tham gia liên kết, phù hợp với loại cây trồng và đảm bảo phát triển bền vững; Có diện tích cây trồng sản xuất theo cánh đồng lớn phải là vùng sản xuất tập trung.
Hoạt động liên kết là một hướng đi tuy không mới nhưng lại là một giải pháp cực kì hiệu quả và thiết thực trong sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản, giúp đảm bảo được lợi ích của người sản xuất và người kinh doanh các mặt hàng nông nghiệp, duy trì và phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.
Nguyên Sang
Đang Hoạt Động : 7
Hôm Nay : 16
Hôm Qua : 53
Số Lượt Truy Cập : 1270